Ông Sáng cho rằng, hiện tại các huyện vẫn đang tự phát thực hiện cho đến khi đủ tiêu chí theo quy định nên việc đưa 4 huyện trên lên quận sẽ giúp Hà Nội sớm áp dụng quản lý theo đô thị như xây dựng, quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị tốt hơn.
"Nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận, định hướng quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu HĐND cấp xã", ông Sáng nói.
Vào cuối năm 2018 vừa qua, chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020 đã nhận được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Cơ quan này cũng giao Ban cán sự đảng UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổ chức triển khai đề án; khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai đề án theo đúng quy trình, quy định hiện hành của nhà nước.
Để đề án được thực hiện, TP. Hà Nội cũng yêu cầu các sở ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ. Nguồn vốn này chủ yếu lấy từ tiềm năng đất đai trên địa bàn bằng cách tổ chức đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý.
|
Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội |
TP. Hà Nội cũng cần nghiên cứu, xem xét đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Hoài Đức thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội để đề án đảm bảo được tiến độ.
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, Đông Anh cũng là huyện đóng vai trò rất quan trọng. Vào thời điểm cuối năm 2018 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nói rằng, một trong những mục tiêu đã được TP xác định là phát triển Đông Anh trở thành quận vào năm 2020 và là trung tâm của đô thị thông minh.
Đông Anh sở hữu lợi thế địa bàn rộng nên có rất nhiều tiềm năng phát triển thành một đô thị hiện đại. Do đó, TP yêu cầu huyện Đông Anh cần triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm xây dựng huyện thành quận; đồng thời huyện cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng là quận trung tâm của đô thị thông minh với các khu công viên phần mềm, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm cao cấp, trung tâm y tế…
Trong khi đó, huyện Gia Lâm có vị trí cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là nơi giao thoa của dòng văn hoá Thăng Long và Kinh Bắc nên Gia Lâm cũng được xác định là vùng kinh tế trọng điểm. Hiện trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng như: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Hà Nội - Hưng Yên; đường 181...; đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải phòng.
Ngoài ra, Gia Lâm cũng đang có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và trong tương lai.
Huyện Gia Lâm hiện đang từng bước phấn đấu trở thành khu đô thị lớn, dần hội đủ các tiêu chí trở thành một quận phía Ðông Thủ đô vào năm 2020 với những đồ án quy hoạch Khu đô thị Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Ðình Xuyên, “siêu dự án” đô thị với gần 9 vạn dân, cùng quy hoạch huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5.000 sắp hoàn thành...
Thời điểm tháng 6/2018, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn. Tổng diện tích đất khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 420 ha và quy mô dân số khoảng 89.500 người.
Tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cũng tiết lộ, huyện đang chỉ đạo hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020.
Ứng cử viên lên quận còn lại là Thanh Trì, huyện có diện tích tự nhiên gần 6.300 ha (trong đó trên 50% là đất nông nghiệp); dân số trên 23 vạn người; gồm 15 xã và 1 thị trấn.
Trong những năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa tại Thanh Trì diễn ra khá nhanh, theo quy hoạch của thành phố đây là địa bàn nằm trong khu vực nội đô mở rộng.
Còn nhớ năm 2016, tại buổi làm việc với huyện Thanh Trì, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nói: "Thanh Trì là huyện nông thôn mới, ven đô và đang chuyển dịch theo hướng đô thị hóa, các quy hoạch trước đó là huyện nông thôn". Đồng thời bí thư cũng đề nghị huyện phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát để nắm được từ 2016 đến giai đoạn 2020 - 2025 huyện có đạt các chỉ tiêu lên quận hay không.
Năm 2013 đánh dấu sự kiện huyện Từ Liêm được tách làm hai quận, nâng tổng số quận của TP. Hà Nội lên con số 12, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Tính đến thời điểm này, TP đang có 17 huyện và một thị xã, với tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 584 (386 xã, 177 phường, 21 thị trấn), gần 8.000 thôn, tổ dân phố.
Theo batdongsan.com.vn